Lịch sử Mã hóa khối

Thuật toán mã hóa Lucifer do công ty IBM phát triển dựa trên những nghiên cứu của Horst Feistel được xem là thuật toán mã hóa đầu tiên dùng cho mục đích dân sự. Sau đó, thuật toán này được sửa đổi và trở thành tiêu chuẩn mã hóa của chính phủ Hoa Kỳ vào năm 1976 với tên gọi là DES (Tiêu chuẩn mã hóa dữ liệu, tiếng Anh: Data Encryption Stardard). Từ đó, DES được sử dụng rất rộng rãi.

DES đã được thiết kế chống lại một số dạng tấn công mà Cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA) và IBM đã biết vào thời điểm thiết kế. Tuy nhiên, những thông tin này đã không được công bố và chỉ được biết đến vào cuối những năm 1980 nhờ những nghiên cứu của Eli BihamAdi Shamir. Kỹ thuật đó có tên là tấn công vi sai. Kỹ thuật tấn công tuyến tính là một dạng tấn công khác chỉ được làm sáng tỏ sau xuất bản của Mitsuru Matsui. DES đã tạo nên một làn sóng nghiên cứu trong lĩnh vực mật mã họcthám mã. Từ đó nhiều vấn đề được làm sáng tỏ và nhiều thuật toán mã hóa mới đã ra đời.

Khối dữ liệu trong DES có độ dài 64 bít (khối 64 bít trở nên phổ biến sau DES) và độ dài khóa là 56 bít. Độ dài khóa phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó bao gồm cả quy định của chính phủ. Ngay từ những năm 1970, nhiều người đã cho rằng độ dài khóa 56 bít là không đủ an toàn. Cùng với sự phát triển của khả năng tính toán, vấn đề này ngày càng trở nên cấp thiết. Năm 1998, một hệ thống dành riêng cho thám mã DES của tổ chức Electronic Frontier Foundation đã phá được khóa DES trong thời gian hơn 2 ngày. Một số biến thể của DES như Triple DES hay 2TDES có độ dài khóa hiệu dụng 112 và 80 bít vẫn được coi là an toàn vào thời điểm năm 2004.

DES được thay thế như là một tiêu chuẩn bởi AES (thuật toán mã hóa nâng cao, tiếng Anh: Advanced Encryption Standard) vào năm 2001 sau một cuộc thi rộng rãi. Tác giả của AES là 2 người Bỉ: Joan DaemenVincent Rijmen (lấy tên chung là Rijndael). AES có độ dài khối là 128 bít và khóa có độ dài có thể là 128, 192 hay 256 bít. Chính phủ Hoa Kỳ cho phép sử dụng AES với các thông tin mật do NSA xếp loại.